Chuyên đề Quản lý Tài chính cá nhân

Có lúc nào bạn nghĩ: Quản lý tài chính cá nhân chỉ dành cho những người nhiều tiền hoặc những người đã lập gia đình! Nếu bạn vẫn đang có suy nghĩ như vậy, thì hãy thay đổi ngay từ bây giờ nhé! Ở các nước phát triển, học sinh tiểu học đã được học về cách thức quản lý tài chính cá nhân hiệu quả. Vậy tại sao những sinh viên thời đại mới như chúng ta lại không thử tìm hiểu xem quản lý tài chính cá nhân có vai trò như nào trong cuộc sống nhỉ!

Với mục đích tạo động lực nâng cao khả năng tự chịu trách nhiệm về mặt tài chính của sinh viên khi rời xa vòng tay gia đình và phải tự quản lý khả năng tài chính của bản thân, lớp K22401 đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề rất thú vị với chủ đề “Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả” tại phòng A.410, ngày 16/12 vừa qua. Chuyên đề được thực hiện bởi TS Nguyễn Thị Đông và ThS Trần Thị Lộc.

  Chuyên đề được thiết kế thành các phần chơi: thành lập nhóm, giải câu đố kiếm tiền, lựa chọn mục tiêu lớn, thực hiện các hành vi ra quyết định.
 

Các nhóm sẽ tự kiếm thu nhập của mình bằng cách giải câu đố thông qua trò chơi đuổi hình bắt chữ. Các thuật ngữ trong đuổi hình bắt chữ xoay xung quanh nội dung về tài chính cá nhân. Các đội đều xuất sắc tìm ra câu trả lời để thu về cho đội một lượng thu nhập đáng kể. Từ số tiền kiếm được, các đội sẽ đặt ra mục tiêu phù hợp với khả năng tài chính của mình. Các mục tiêu đặt ra ở trò chơi này là: Mua laptop hạng thấp; Laptop hạng trung; và Laptop hạng sang.

 

Bài học về tài chính cá nhân được lồng ghép vào các tình huống gần gũi trong cuộc sống. Với mỗi tình huống, các thành viên trong nhóm sẽ thống nhất lựa chọn một phương án như là thực hiện một hành vi ra quyết định. Tương ứng với mỗi phương án, kết quả trả về cho nhóm sẽ có thể là mất tiền, hoặc được tiền, hoặc thu về mặt khóc hay mặt cười.

 

Khi các tình huống kết thúc cũng là lúc các nhóm tạm tính số tiền kiếm được và so sánh với mục tiêu ban đầu. Nếu nhóm nào đủ tiền để thực hiện mục tiêu, nhóm đó sẽ được nhận một số lượng mặt cười tương ứng với mục tiêu đã lựa chọn. Trong số 5 đội chơi, chỉ có duy nhất 1 đội thực hiện được mục tiêu đề ra. Có thể đây là lần đầu tiên các bạn sinh viên phải lập kế hoạch cụ thể cho mục đích của mình, nên hầu hết các nhóm đều đặt ra mục tiêu khá cao so với khả năng tài ban đầu của nhóm.

Kết thúc trò chơi, các nhóm tổng kết số tiền, số lượng mặt cười và mặt khóc. Trong trò chơi này, mặt cười và mặt khóc thể hiện cảm xúc tích cực hay tiêu cực, nó đo lường chất lượng cuộc sống mà nhóm nhận được sau mỗi hành vi ra quyết định mua hàng. Theo đó, mặt cười tượng trưng cho niềm hạnh phúc, sự vui vẻ, hay cảm giác phấn chấn vì lợi ích đạt được lớn hơn số tiền mình đã bỏ ra. Tương tự, mặt khóc tượng trưng cho nỗi buồn, sự thất vọng hay cảm giác tiếc nuối khi tiêu số tiền cho một hoạt động nào đó. Sau cùng, mỗi mặt cười, mặt khóc đều được quy đổi thành tiền để tìm ra nhóm chiến thắng.

 

Quản lý tài chính cá nhân là hoạt động không hề mới, nhưng có vẻ như vẫn rất lạ lẫm với sinh viên. Đối với sinh viên chúng ta, việc thiếu tiền ăn hay thiếu tiền trọ vào cuối mỗi tháng là những hình ảnh vô cùng quen thuộc của rất nhiều người. Đó là hậu quả của việc chi tiêu không kiểm soát, thiếu kỹ năng quản lý tài chính. Buổi sinh hoạt chuyên đề đã mang đến những tình huống giả định sát với thực tiễn, giúp sinh viên hiểu được giá trị của việc quản lý tài chính hiệu quả. Không khí của buổi sinh hoạt chuyên đề diễn ra rất sôi nổi và hào hứng. Sự háo hức và nhiệt tình của các bạn sinh viên K22401 đã góp phần rất lớn vào sự thành công của buổi sinh hoạt chuyên đề./.