Tọa đàm Phát triển chương trình đào tạo Đại học và Sau đại học năm 2025 Khoa Kinh tế

Ngày 13 tháng 12 năm 2024, Khoa Kinh tế đã tổ chức tọa đàm Phát triển chương trình đào tạo Đại học và Sau đại học 2025 tại Trường Đại học Kinh tế - Luật. Ngoài ra, để có thể thuận tiện ghi nhận ý kiến từ nhiều bên liên quan hơn, tọa đàm còn được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Buổi tọa đàm  là cơ hội để Khoa lắng nghe, ghi nhận và lấy ý kiến của các bên liên quan bao gồm: đơn vị sử dụng lao động, giảng viên, cựu sinh viên và sinh viên về cấu trúc chương trình đào tạo năm 2025 các bậc đào tạo tại Khoa. 

 

Mở đầu buổi tọa đàm, TS Trịnh Hoàng Hồng Huệ - Phó Khoa phụ trách đã cung cấp các thông tin cơ bản liên quan đến chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học năm 2025 cũng như các yêu cầu cần được thực hiện trong việc điều chỉnh từ chương trình đào tạo hiện có. 

Sau đó, TS Phạm Mỹ Duyên - trưởng bộ môn Kinh tế và Quản lý công đã trình bày tham luận "Cập nhật những thay đổi chương trình đào tạo ngành kinh tế". Tham luận đi sâu vào phân tích những yêu cầu cơ bản về chương trình đào tạo 2025 cho chuyên ngành Kinh tế học và chuyên ngành Kinh tế và Quản lý công như" tổng số tín chỉ, số tín chỉ được phân bố cho các khối kiến thức, các môn học cần được bổ sung theo yêu cầu của nhà trường và sự thay đổi số tín chỉ của một số môn học cốt lõi. 

Ngay sau phần trình bày của Khoa, nhiều ý kiến đóng góp của các bên liên quan đã được đưa ra và phần thảo luận càng trở nên sôi nổi hơn. Các ý kiến tập trung vào các nội dung chính như: tăng cường các môn có tính chất rèn luyện kĩ năng để sinh viên có thể thích ứng tốt hơn trong bối cảnh mới, nâng cao thời lượng các môn tự chọn nhằm giúp sinh viên có cơ hội khám phá nhiều mảng kiến thức từ đó xác định xu hướng nghề nghiệp trong tương lai, lựa  chọn  chuẩn đầu ra một cách chắt lọc hơn nhằm thuận tiện cho kiểm tra đánh giá người học....

Trong buổi chiều, tọa đàm tập trung về trao đổi các vấn đề liên quan đến đào tạo sau đại học của Khoa cho các ngành ở bậc Thạc sĩ: Kinh tế học, Kinh tế chính trị, Kinh tế và quản lý công cũng như các ngành đào tạo tiến sĩ: Kinh tế học và Kinh tế chính trị. Với tổng cộng 4 tham luận: Cập nhật những thay đổi chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Kinh tế học, chuyên ngành Kinh tế và quản lý công (ngành Kinh tế học) theo định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng (TS Phạm Mỹ Duyên trình bày), Cập nhật những thay đổi chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Kinh tế chính trị theo hướng nghiên cứu và ứng dụng (TS Nguyễn Đình Bình trình bày), Cập nhật những thay đổi chương trình đào tạo ngành Kinh tế học bậc tiến sĩ (PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình trình bày) và Cập nhật những thay đổi chương trình đào tạo ngành Kinh tế chính trị bậc tiến sĩ (PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình trình bày).

Các đại diện từ các đơn vị sử dụng lao động chia sẻ rằng, nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ cao đang ngày càng tăng, đặc biệt là trong các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Việc đào tạo sau đại học không chỉ chú trọng vào kiến thức lý thuyết mà còn phải tập trung vào khả năng nghiên cứu, phát triển chuyên môn và ứng dụng thực tế. Ngoài ra, các cựu sinh viên và giảng viên cũng đã có những trao đổi thẳng thắn về những thách thức trong việc xây dựng chương trình đào tạo sau đại học hiện nay. Các vấn đề như việc kết nối giữa lý thuyết và thực hành, cập nhật chương trình nghiên cứu và phát triển các đề tài nghiên cứu phù hợp với xu thế toàn cầu cũng được đề cập và đưa ra những giải pháp cải thiện.

Những ý kiến, đóng góp mà các  bên liên quan đã đưa ra trong buổi tọa đàm là vô cùng đáng quý và là cơ sở vững chắc để Khoa tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo năm 2025 cho tất cả các bậc học.

 

Tọa đàm kết thúc lúc 15h30 cùng ngày.