Sinh viên Khoa Kinh tế kiến tập tại Nha Trang

Từ ngày 8/10/2024 – 11/10/2024, Đoàn kiến tập lớp K21401C, K21401T, K21403C tham quan kiến tập tại Nha Trang với sự tham gia của cố vấn học tập PGS.TS Nguyễn Hồng Nga, TS. Phạm Mỹ Duyên, ThS. Trần Lục Thanh Tuyền và 72 sinh viên của 3 lớp. 

Trong chuyến kiến tập tại Nha Trang, sinh viên có cơ hội để tìm hiểu các mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với lợi thế kinh tế biển tại các doanh nghiệp cũng như giao lưu với sinh viên, giảng viên với các đơn vị doanh nghiệp, trường đại học.


Tại DT Group, một trong những doanh nghiệp đầu tiên nghiên cứu và nuôi trồng thành công Rong Nho biển Nhật Bản ở môi trường tự nhiên tại Khánh Hòa; xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất nước yến sào đạt tiêu chuẩn ISO; Nhà máy sản xuất Rong Nho biển đạt tiêu chuẩn HACCP và Chứng nhận FDA. DT Group đã xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích 75ha, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận có diện tích nuôi trồng và sản lượng rong nho Nhật Bản lớn nhất Việt Nam từ năm 2020. Sản phẩm rong nho tách nước của DTGroup là một trong những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia 2023. 

Tại DT Group, đoàn kiến tập được Bà Phạm Thị Bích Vi (quản lý phân xưởng sản xuất) giới thiệu về mô hình sản xuất, kinh doanh của tập đoàn nói chung và mảng sản xuất rong nho biển nói riêng,  những thành công của doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu và định vị sản phẩm công nghiệp OCOP và xuất khẩu của doanh nghiệp. Trong quá trình tham quan và trải nghiệm trực tiếp quy trình lựa chọn và phân loại rong nho tại nhà máy, tập thể sinh viên đã có cơ hội hiểu rõ hơn về quy trình đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá trị kinh tế đem lại và cách định vị thương hiệu trong phát huy lợi thế của địa phương, doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước.

Hình 1.1: Chia sẻ của Bà Phạm Thị Bích Vi về mô hình sản xuất kinh doanh rong nho của DT Group 

Ngoài ra, đoàn kiến tập đã tham quan quy trình xử lý vệ sinh chặt chẽ và phương pháp bảo quản tiên tiến cho thấy cam kết của công ty trong việc cung cấp sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Điều này góp phần xây dựng niềm tin và thương hiệu mạnh mẽ cho công ty trên thị trường.

Hình 1.2: Tham quan và trải nghiệm tại hồ chứa rong nho

Hồ chứa được duy trì với nguồn nước biển sạch, độ mặn và nhiệt độ phù hợp, nhằm tạo điều kiện lý tưởng cho việc đảm bảo vệ sinh cho rong nho. 

Hình 1.3: Sinh viên trải nghiệm thực tế quy trình lựa chọn và phân loại rong nho

Giao lưu và trao đổi kinh nghiệm với Trường Đại học Nha Trang

Trong chuyến đi thực tế tại Đại học Nha Trang, các sinh viên đã có dịp khám phá về môi trường học tập và giáo dục tại ngôi trường được xem là trọng điểm trong đào tạo ở khu vực miền Trung. Mở đầu là phần giới thiệu khái quát về Đại học Nha Trang, từ quá trình phát triển, đội ngũ giảng viên, các ngành đào tạo chủ lực đến cơ sở vật chất phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu.

Hình 2.1: Hình ảnh giao lưu giữa đại diện hai khoa kinh tế của hai trường

Đoàn kiến tập được PGS.TS. Lê Kim Long- Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Kinh tế, Trường Đại học Nha Trang, trình bày về những thành tựu nổi bật cũng như sự phát triển trong quy mô đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trưởng bộ Quản lý kinh tế TS. Nguyễn Văn Ngọc  cũng chia sẻ về hoạt động nghiên cứu của giảng viên bộ môn, kết nối những cơ hội hợp tác trong nghiên cứu.  Điểm nhấn của chương trình là phần giao lưu giữa các giảng viên Khoa Kinh tế của cả hai trường, nơi thầy cô đã chia sẻ về các phương pháp giảng dạy, những chương trình học tập đổi mới, cùng tiềm năng hợp tác nghiên cứu trong tương lai.

Hình 2.2: PGS.TS. Lê Kim Long trình bày về nội dung đào tạo và nghiên cứu khoa học

Chương trình khép lại bằng phần giao lưu văn hoá giữa sinh viên hai trường, tạo nên không khí vui tươi, sôi động, góp phần gắn kết các bạn trẻ và để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong chuyến kiến tập đầy ý nghĩa này.

Hình 2.3: Tiết mục giao lưu văn nghệ đến từ sinh viên 2 trường

Mô hình sản xuất kết hợp nông nghiệp tại Làng yến Mai Sinh

Điều khiến tập thể sinh viên lớp ấn tượng mạnh là sự kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch, mang lại nguồn thu nhập đa dạng cho người dân địa phương. Theo thống kê, mỗi năm Làng Yến Mai Sinh sản xuất khoảng 200-300kg tổ yến, với giá trị kinh tế từ 20 đến 25 tỷ đồng, tùy theo biến động của thị trường. Các sản phẩm yến sào được chế biến và đóng gói ngay tại chỗ, sau đó cung cấp cho khách du lịch và xuất khẩu, làm tăng giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, các hộ dân còn kết hợp khai thác nhiều sản phẩm nông nghiệp khác như dừa, xoài, và rau củ, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và tạo nên cảnh quan hấp dẫn cho du khách.



Hình 3.1: Hình ảnh tập thể lớp tham quan Làng yến Mai Sinh

Hình 3.2 Quy trình nhặt lông yến ra khỏi tổ

Không chỉ tập trung vào việc khai thác tổ yến, Làng Yến Mai Sinh còn phát triển các tour du lịch trải nghiệm nhằm thu hút khách tham quan. Tập thể sinh viên của lớp đã có cơ hội trực tiếp tham gia vào quá trình khai thác tổ yến, từ việc xây dựng nhà yến, nuôi dưỡng chim đến thu hoạch tổ yến. Ngoài ra, làng còn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm nông nghiệp như thu hoạch trái cây và chế biến các món ăn từ yến, mang đến cho du khách những trải nghiệm thực tế và phong phú. Theo số liệu, mỗi năm Làng Yến Mai Sinh đón hơn 10.000 lượt khách, tạo ra nguồn thu đáng kể từ du lịch sinh thái và bán sản phẩm trực tiếp.

Hình 3.3: Sinh viên quan sát quy trình chế biến yến 

Ngoài các hoạt động tại doanh nghiệp, sinh viên còn tìm hiểu đặc điểm văn hoá, môi trường tại TP. Nha Trang, tăng thêm sự hiểu biết và nhận thức về các giá trị lịch sử văn hoá, con người trong hoạt động kinh tế. Chuyến đi đem lại cho giảng viên, sinh viên những giá trị bổ ích trong tìm hiểu các mô hình kinh tế biển, những bài học kinh nghiệm về biến lợi thế tiềm năng thành lợi thế phát triển của doanh nghiệp và các trải nghiệm giao lưu văn hoá với sinh viên, tăng cường sự gắn kết giữa sinh viên, nâng cao giá trị nhận thức và hình ảnh của nhà trường trong các hoạt động trải nghiệm thực tế./.