Tọa đàm "Đánh giá hiệu quả giảng dạy học tập theo hình thức trực tuyến tại Khoa Kinh tế và trường Đại học Kinh tế - Luật"

Vào lúc 13g30 thứ 7 ngày 25/09/2021, Khoa Kinh tế tổ chức buổi Toạ đàm khoa học “Đánh giá hiệu quả giảng dạy, học tập theo hình thức trực tuyến tại Khoa Kinh tế và Trường Đại học Kinh tế- Luật” theo hình thức online thông qua Google Meet.

Tọa đàm có sự tham dự của đại diện Ban Giám hiệu, lãnh đạo đơn vị của Trường. Đồng thời, tọa đàm cũng thu hút sự quan tâm của trên 40 Thầy, Cô là giảng viên các Khoa, Bộ môn của nhà trường và giảng viên thỉnh giảng của Khoa Kinh tế.

PGS. TS Nguyễn Chí Hải mở đầu với lời giới thiệu cũng như khai mạc buổi tọa đàm. Mặc dù trong tình hình dịch bệnh phức tạp, Tọa đàm thu hút được sự quan tâm và đóng góp từ các Nhà quản lý, các Giảng viên trong và ngoài Trường với 21 bài tham luận

Đại diện BGH nhà trường, PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng đánh giá cao với những đóng góp của Khoa Kinh tế trong thực hiện toạ đàm có ý nghĩa hết sức thiết thực trong bối cảnh của nhà trường đang triển khai giảng dạy trực tuyến. Ngoài ra, Thầy nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc giảng dạy và học tập trực tuyến và khẳng định việc giảng dạy trực tuyến không chỉ là tình huống

PGS. TS. Hoàng Công Gia Khánh – phó hiệu trưởng nhà trường cũng có đôi lời phát biểu về hoạt động giảng dạy online, cũng như những khó khăn chung đối với các giảng viên khi chuyển đổi hình thức giảng dạy trong thời kỳ dịch bệnh.

Toạ đàm với 4 bài tham luận được trình bày đã cung cấp những thông tin từ các kênh phản hồi từ người học về giảng dạy online và tổ chức thi online của nhà trường. Các thông tin từ các bài tham luận được trình bày đề xuất các giải pháp xoay quanh các vấn đề phương pháp giảng dạy của giảng viên để tăng sự tương tác với người học, phát triển tài liệu điện tử, cải tiến phần mềm học tập và thi online đặc biệt cán vấn đề về phần mềm bản quyền giảng dạy, cải tiến cách thức tổ chức thi online khoa học, tránh gian lận trong thi cử.

 

TS. Phạm Mỹ Duyên trình bày bài tham luận với chủ đề “Giảng dạy trực tuyến tại Khoa Kinh tế: Kết quả khảo sát và các giải pháp đề xuất”.

TS. Nguyễn Đình Bình trình bày tham luận – Nâng cao chất lượng học trực tuyến đối với môn kinh tế chính trị Mác – Lênin tại trường Đại học Kinh tế - Luật.

  TS. Trịnh Hoàng Hồng Huệ trình bày Tham luận 3 – Mô hình giáo dục trực tuyến: xu hướng phát triển tất yếu hay giải pháp tạm thời trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19

TS. Nguyễn Thị Tuyết Như trình bày Tham luận 4 – Nâng cao hiệu quả đào tạo trực tuyến tại trường Đại học Kinh tế - Luật

Toạ đàm ghi nhận trên 20 lượt góp ý trong đó PGS. TS. Đỗ Phú Trần Tình cho rằng để đạt hiệu quả trong giảng dạy online như: tăng cường tương tác giữa người dạy và người học, giảng viên cần chuẩn bị kịch bản giảng dạy cho lớp học của mình.

ThS. Trà Văn Trung – Bộ môn Ngoại ngữ thông tin về những khó khăn trong quá trình giảng dạy online đối với môn tiếng Anh, như khó khăn về mặt kỹ thuật (đường truyền, thiết bị, hệ thống E-learning,…), cần nhiều thời gian thiết kế bài giảng để phù hợp với việc giảng dạy trực tuyến, khó khăn trong việc quản lý lớp vì sinh viên đến từ nhiều ngành khác nhau. Một số đề xuất được gợi ý như sau: Nhà trường cần cải thiện hệ thống Internet, theo dõi và khảo sát để hỗ trợ sinh viên kịp thời, cung cấp khóa học về các phần mềm khác, thống nhất về phương pháp đánh giá.

ThS. Trần Lục Thanh Tuyền lập luận “đối với người dạy, tiếp tục phát huy tâm huyết trong giảng dạy và xác định việc dạy online là bắt buộc ở thời điểm hiện tại, có thể ghi âm bài giảng và gửi cho sinh viên. Về phía người học, sinh viên cần chủ động và mạnh dạn khi giảng viên đưa ra câu hỏi, phân bổ thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý. Đối với Nhà trường, Nhà trường cần tổ chức các khóa học cho giảng viên, tham mưu thêm từ những cơ sở đào tạo khác về việc tổ chức thi trực tuyến”.

ThS. Nguyễn Hải Trường An – Giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh đề xuất việc xây dựng văn hóa học online, thiết lập những giờ tập huấn về kỹ năng dạy học online. Nhà trường nên có khung chương trình giữa học online và học trực tiếp.

TS. Nguyễn Thanh Trọng – Trưởng Phòng Đào tạo cho rằng cần quan tâm về vấn đề  công nghệ trong giảng dạy online ở thời điểm hiện tại, cũng như trong tương lại khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Theo TS. Nguyễn Thanh Trọng, để nâng cao chất lượng đào tạo thì một trong những xu hướng của thế giới hiện nay là cá nhân hóa trong hoạt động đào tạo, chia nhỏ quá trình đào tạo và tạo sự linh hoạt cho người học, và ứng dụng công nghệ để nâng cao sự trải nghiệm của sinh viên trong quá trình học đại học. Nhà trường cần chú ý và thực hiện những xu hướng này một cách toàn diện hơn.

Ngoài ra các góp ý của các giảng viên khác còn đồng tình ủng hộ việc giảng viên quay video bài giảng để các em sinh viên tự học trước và tài liệu lên mạng để sinh viên có thể tiếp cận dễ dàng, trong giảng dạy online cần quan tâm vấn đề tâm lý của cả người dạy và người học và các vấn đề khác.

PGS. TS. Nguyễn Chí Hải thay mặt Ban tổ chức phát biểu tổng kết Hội thảo, ghi nhận và cảm ơn sự tham gia nhiệt tình với những đóng góp ý kiến chuyên sâu của các Thầy, Cô tham dự Tọa đàm. Kết quả nghiên cứu và những ý kiến đóng góp là cơ sở để Khoa có thể cải tiến về công tác giảng dạy trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid_19 còn kéo dài. Những kiến nghị, đề xuất của giảng viên cũng là thông tin tham khảo để lãnh đạo nhà trường cải tiến chất lượng đào tạo trong thời gian đến.

Buổi Tọa đàm của Khoa Kinh tế kết thúc vào lúc 17g00.